Giai đoạn 1924-1929 Phong_trào_giải_phóng_dân_tộc

Một đặc điểm nổi bật của phong trào cách mạng 1924 - 1929 là phong trào công nhân ở các nước tư bản chủ nghĩa xuống thấp nhưng phong trào giải phóng dân tộc vẫn tiếp diễn mạnh mẽ ở hầu khắp các nước châu Á, châu Phi.

Châu Á

Ở Ấn Độ, phong trào bãi công của công nhân tiếp diễn trong suốt những năm 1924 - 1927. Phong trào nông dân chống thuế, chống địa chủ tăng tô tức diễn ra mạnh mẽ vào năm 1927. Đảng Quốc đại, sau một thời gian suy giảm lực lượng, bắt đầu tăng cường hoạt động mở rộng đội ngũ.

Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, các nước đế quốc đều tăng cường chính sách khai thác và bóc lột thuộc địa để giải quyết những khó khăn trong nước. Tình hình đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến các nước Đông Nam Á. Đời sống nhân dân ngày càng cùng cực, mâu thuẫn dân tộc với đế quốc càng thêm sâu sắc.

Bắt đầu từ những năm 20, trong phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc ở Đông Nam Á đã xuất hiện và phát triển một xu hướng mới: xu hướng cánh tả. Điều đó không chỉ phản ánh ảnh hưởng to lớn của Cách mạng tháng Mười Nga đối với các dân tộc ở Đông Nam Á, mà còn cho thấy những biến đổi lớn lao đã diễn ra trong từng nước. Đó là sự hình thành và phát triển nền công nghiệp dân tộc, cùng với quá trình đó là sự phát triển của giai cấp công nhân cả về số lượng và ý thức giai cấp. Đồng thời quá trình bần cùng hoá nông dân cũng diễn ra nhanh chóng. Tất cả những yếu tố đó đã làm bùng nổ một cao trào cách mạng mới, một xu hướng mới trong phong trào đấu tranh giành độc lập ở Đông Nam Á - xu hướng cánh tả. Như vậy, trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của các dân tộc Đông Nam Á đã tồn tại và phát triển song song hai xu hướng cánh tả và cánh hữu.

Trong giai đoạn này, đã xuất hiện hàng loạt các Đảng Cộng sản trong khu vực, mở đầu là sự thành lập Đảng Cộng sản Indonesia (5-1920). Đảng Cộng sản Indonesia đã nhanh chóng trở thành một lực lượng chính trị quan trọng. Ở Việt Nam, trong những năm 20 của thế kỉ này, thông qua lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, người cộng sản Việt Nam đầu tiên, chủ nghĩa Mác - Lênin đã được du nhập vào Việt Nam tiến tới việc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương).[2] Tiếp theo Indonesia, năm 1930 ở Đông Nam Á đã xuất hiện Đảng Cộng sản ở Việt Nam (tháng 2), ở Mã Lai và Xiêm (tháng 4), ở Philippin (tháng 11). Ở Myanmar, Đảng Cộng sản được thành lập năm 1939. Sự thành lập các Đảng Cộng sản là kết quả của quá trình phát triển phong trào yêu nước kết hợp với phong trào công nhân, tiếp nhận và vận dụng học thuyết Mác-Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của các nước Đông Nam Á. Đó cũng là hậu quả của cuộc khủng hoàng kinh tế thế giới bắt đầu từ năm 1929 làm cho mâu thuẫn vốn có giữa các dân tộc với chủ nghĩa đế quốc càng trở nên gay gắt. Giai cấp công nhân và nhân dân lao động cùng những người yêu nước đã hướng về Đảng Cộng sản với nguyện vọng giải phóng dân tộc, giành độc lập cho đất nước.

Dưới sự lãnh đạo của những người cộng sản, giai cấp công nhân và nhân dân lao động một số nước đã vùng dậy đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc. Nổi bật là cuộc khởi nghĩa ở Sumatra 1926 - 1927 và sự thành lập chính quyền Xô viết ở Nghệ-Tĩnh, Việt Nam. Tại Indonesia, Đảng Cộng sản tích cực lãnh đạo quần chúng đấu tranh đòi hỏi những quyền lợi thiết thân. Năm 1925, phong trào bãi công của công nhân dâng cao. Năm 1926, nhân dân Bativia (tức Giacacta ngày nay) khởi nghĩa vũ trang. Năm 1927, khởi nghĩa vũ trang bùng nổ ở đảo Sumatra. Mặc dù bị thất bại nhưng những cuộc nổi dậy đó chính là sự xuất hiện trên vũ đài chính trị những cuộc đấu tranh yêu nước mang màu sắc vô sản, diễn ra dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Như vậy, giai cấp công nhân dù mới ra đời cũng đã tham gia vào cuộc đấu tranh chống đế quốc và phong kiến.

Trong những năm 20 và 30, phong trào dân tộc cánh hữu đã có những bước tiến rõ rệt so với những năm đầu thế kỉ. Nếu như trước đây, những hoạt động chính trị chỉ nhằm mục đích khai trí để chấn hưng quốc gia thì đến nay mục tiêu giành độc lập được đề xuất rõ ràng: đòi quyền tự chủ về chính trị, quyền tự do trong kinh doanh, quyền dùng tiếng mẹ đẻ trong giáo dục… Nếu như trước đây mới xuất hiện các học hội hay nhóm phái mà vai trò quan trọng thuộc về những người cấp tiến trong sĩ phu phong kiến thì đến giai đoạn này đã hình thành các chính đảng có tôn chỉ mục đích rõ ràng và có ảnh hưởng xã hội rộng lớn. Lực lượng đóng vai trò nổi bật trong phong trào dân tộc cánh hữu thời kì này là tầng lớp trí thức. Họ là học sinh, sinh viên, các nhà kĩ thuật, viên chức tiếp thu ảnh hưởng văn hóa nước ngoài, từ tư tưởng dân chủ của cách mạng Pháp đến chế độ cộng hòa của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, từ “chủ nghĩa Tam dân” của Tôn Trung Sơn đến học thuyết bất bạo động của Ghandi. Họ trở thành bộ phận cấp tiến, là ngòi nổ trong những cuộc đấu tranh lớn ở Đông Nam Á.

Những tổ chức sinh viên ở Miến Điện đã dấy lên những cuộc đấu tranh đòi cải cách quy chế đại học, đòi tự trị, dẫn đến phong trào Thakin (có nghĩa là những người chủ đất nước) trong những năm 30. Tổ chức đại hội toàn Mã Lai từ đầu thế kỉ đòi cải cách Hồi giáo và dùng tiếng Mã Lai trong nhà trường, phát triển thành phong trào đấu tranh chống thực dân Anh đòi tư trị. Ở Indonesia, năm 1927 Đảng Dân tộc do Sukarno đứng đầu được thành lập. Trải qua nhiều năm tháng, đến cuối năm 1939, Sukarno đã tổ chức Đại hội nhân dân Indonesia bao gồm 90 đảng phái và tổ chức chính trị biểu thị sự thống nhất dân tộc, thông qua nghị quyết về ngôn ngữ (Bahasa Indonesia), về quốc kì (đỏ-trắng), về quốc ca (Indonesia Raya). Ý chí về cuộc đấu tranh cho một quốc gia Indonesia thống nhất và độc lập đã thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh trong toàn dân ở giai đoạn tiếp theo.

Hai phong trào cánh hữu và cánh tả cùng tồn tại ở Đông Nam Á có nhiều điểm khác biệt về ý thức hệ, về mục tiêu cuối cùng. Nhưng đứng trước mục tiêu chung là độc lập dân tộc nên cả hai phong trào đã tồn tại song song, có những lúc kết hợp với nhau trong một chừng mực nhất định. Bởi lẽ đối với nhân dân Đông Nam Á, kẻ thù lớn nhất là chủ nghĩa đế quốc, không một lực lượng cứu nước nào có thể đứng riêng lẻ hoặc chống đối lẫn nhau. Điều đó đã tạo nên những tiền đề khách quan cho sự thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất trong giai đoạn sau.

Trung Đông và Bắc Phi

Phong trào giải phóng dân tộc diễn ra sôi sục, nhất là ở Xiri - Libăng và Marốc đã bùng nổ những cuộc đấu tranh vũ trang oanh liệt. Dưới sự thống trị nặng nề của thực dân Pháp, nhân dân Xiri trong những năm 1920 đến 1924 đã sáu lần vùng dậy khởi nghĩa: ở Khauran (8-1920), ở Bắc Xiri (1921 - 1925), ở vùng Giơben Đruydơ (1922- 1923) ở vùng Bêcaa (1924). Tháng 7-1925, lại một lần nữa nhân dân Xiri vùng dậy đấu tranh ở vùng Giơben Đruydơ. Cuộc khởi nghĩa do Xuntan Atratxơ lãnh đạo đã nhanh chóng chuyển thành cuộc đấu tranh vũ trang chống thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc. Vào đầu tháng 8-1925, quân khởi nghĩa đã giáng cho quân Pháp những đòn nặng nề. Cuộc chiến tranh kéo dài đến năm 1927, thực dân Pháp đã huy động lực lượng đến đàn áp, nên cuộc khởi nghĩa không tránh khỏi thất bại.

Tại Marốc thuộc Pháp, trong năm 1924 - 1926 đã diễn ra cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp rất quyết liệt. Nghĩa quân Ríp được nhân dân Marốc ủng hộ đã tiến công quân Pháp và thu được nhiều thắng lợi. Quân đội Pháp và quân đội Tây Ban Nha phải hợp sức tấn công mới chiến thắng được quân đội Ríp vào năm 1926. Cộng hòa Ríp bị thủ tiêu, phong trào đấu tranh của các bộ lạc Ríp thất bại.

Cuộc đấu tranh của nhân dân Xiri những năm 1925 - 1927 và cuộc đấu tranh vũ trang của Cộng hòa Ríp (Marốc thuộc Pháp) trong những năm 1925 – 1926, chống đế quốc Pháp đã nói lên tinh thần quyết tâm chiến đấu vì độc lập, tự do của các dân tộc bị áp bức và đóng góp nhiều kinh nghiệm quý báu cho phong trào giải phóng dân tộc của nhân dân Arập.